Jonathan London Ở khắp Việt Nam và trên toàn thế giới những người quan tâm đến
Việt Nam hiện đang cố hiểu ý nghĩa (hay sự vô nghĩa) của các sự kiện diễn ra
hôm Thứ Năm, khi Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (và Đảng Cộng
sản cầm quyền) chính thức phê chuẩn hiến pháp được sửa đổi sau hơn một năm
tranh luận với mức độ công khai trước nay chưa từng thấy về các ưu điểm và khiếm
khuyết của một hiến pháp vẫn giữ nguyên hiện trạng. Ngay lúc này có thể có ba
nhận định rất thích hợp như sau.
Thứ nhất, về mặt thời sự, việc thông qua hiến pháp chẳng phải là
tin tức mới mẻ và chắc chắn đã không được nhiều người chú ý nếu không có cuộc
tranh luận toàn quốc về hiến pháp này. Quốc hội – từ thuở ban đầu đến nay – là
một cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, do Đảng lập nên, và phục vụ cho Đảng.
Nói như vậy chẳng có ai cãi, và chí ít cũng giúp lý giải kết quả 486 đại biểu
tán thành và 0 đại biểu không tán thành trong một cơ quan tự cho mình là đại diện
của toàn dân. Thật tình chẳng có gì đáng ngạc nhiên về bản thân kết quả này ngoại
trừ chuyện nó gợi ý ít nhiều về tuồng kịch diễn ra xung quanh cuộc họp này; tuồng
kịch mà bản thân nó do những tác động nhìn chung không liên quan đến chính Quốc
hội.
Thứ hai, tuy có lẽ phản ánh các quan điểm của “đại đa số đại biểu”
của Quốc hội, việc thông qua hiến pháp cung cấp rất ít thông tin về thực trạng
chính trị ở Việt Nam. Tuy kết quả kiểm phiếu cuối cùng cho thấy có kỷ cương Đảng
trong số 488 người được chọn lựa kỹ càng có quyền bỏ phiếu, còn có hàng trăm đảng
viên ngang tầm hay có vị thế cao hơn đã và sẽ tiếp tục cổ xúy những cải cách
căn bản. Hiện nay, bất cứ ai có chút ít hiểu biết về chính trị ở Việt Nam đều
biết rằng ở dưới cái vỏ ngoài đoàn kết và đồng thuận, sự cạnh tranh, sự bất hòa
và sự mất đoàn kết bên trong Đảng (nếu không nói là trong Quốc hội) đang ở mức
độ vô tiền khoáng hậu. Tỉ lệ 98% tán thành hiến pháp sửa đổi sắp bằng với mức độ
“đồng thuận” của Bắc Hàn.
Thứ ba, tuy ý nghĩa lịch sử của quá trình sửa đổi hiến pháp Việt
Nam vẫn còn chưa rõ, chúng ta có đủ lý do để nghĩ rằng những hiệu ứng quan trọng
nhất của quá trình này sẽ không được thể hiện ở các thể chế chính thức của Việt
Nam, mà suy cho cùng các thể chế này chỉ có những thay đổi hầu như không đáng kể;
mà là sẽ được thể hiện ở các thay đổi khá lớn mà chúng ta đã quan sát được
trong văn hóa chính trị của Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử cai trị của Đảng
Cộng sản ở Việt Nam, đất nước này đã chứng kiến sự gia tăng thảo luận chính trị
công khai gần như không bị can thiệp. Với nguồn sinh lực từ một bản kiến nghị
ban đầu có chữ ký của 72 vị trí thức và nhân sĩ có những mối quan hệ lâu đời với
đảng và nhà nước, Việt Nam ngày nay có một văn hóa chính trị sống động hoàn
toàn trái ngược với những gì có thể quan sát được ở Trung Quốc, và cho đến nay đã
chống chọi được sự đàn áp của nhà nước.
Đối với người Việt và nhiều người bạn của Việt Nam, còn đôi chút
thất vọng. Ngay cả những người, như tác giả bài này, thông cảm với các lý tưởng
xã hội chủ nghĩa cũng không thể không thấy thất vọng ít nhiều về điều dường như
là một cơ hội mang tính lịch sử để giải quyết những hạn chế thể chế căn bản hiện
đang kìm hãm Việt Nam. Riêng phần tôi, tôi sẽ tiếp tục dành tâm huyết và sức lực
để hiểu và lý giải rõ hơn các bước phát triển đương đại ở Việt Nam với tư cách
là một nhà phê bình thân thiện bên cạnh những người bạn trong và ngoài nhà nước
hiện đang phấn đấu vì một tương lai tươi sáng. Việt Nam còn đầy hứa hẹn. Nhưng
kết quả hôm nay khiến ta có lý do để tạm ngừng lại trước khi tiếp tục. Quan điểm
riêng của tôi là thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang đối mặt xuất phát từ sự
thiếu tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hệ thống chính trị của
mình; các đặc điểm thể chế mà đã trở thành gánh nặng nặng nề, phá hoại các nền
tảng của sự tăng trưởng nhanh bền vững và công bằng xã hội.
Hôm trước khi diễn ra buổi bỏ phiếu về hiến pháp, nhà nước Việt
Nam lại ban hành thêm một nghị định nữa hứa phạt những người nói xấu nhà nước
hay đảng trên các mạng xã hội; điều này diễn ra ở một nước mà chỉ mới cách đây
hai tuần lấy được ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Khi được bầu
vào hội đồng đó, Việt Nam đã cam kết cổ xúy nhân quyền trên toàn cầu và ngay tại
Việt Nam. Đây quả thực là những giá trị mang lại nguồn cảm hứng tạo nên hiến
pháp đầu tiên của Việt Nam. Thế rồi có đôi chút oái ăm. Hiến pháp do chính Hồ
Chí Minh thẩm định và phê chuẩn vào năm 1946 có thể nói tiến bộ hơn và ủng hộ
nhân quyền hơn hiến pháp được thông qua nhân danh ông 67 năm sau. Than ôi, quyết
định của ông Hồ sau đó tước mất của Quốc hội bản chất dân chủ của cơ quan này vẫn
còn ám ảnh Việt Nam hiện nay và rất có thể đe dọa các triển vọng tăng trưởng của
nước này.
Ở Việt Nam, và thậm chí trong bộ máy nhà nước của nước này,
không thiếu những người thông minh, có năng lực và tận tụy. Cái mà nước này thiếu
là các thể chế cần thiết cho một nền kinh tế có hiệu năng cao. Với vị trí địa
lý và vai trò đang trỗi dậy của Việt Nam trong thương mại thế giới, nền kinh tế
của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng. Nhưng tốc độ, những cách phân phối, và chất
lượng của sự tăng trưởng đó sẽ còn đáng ngờ chừng nào nước này vẫn còn được cai
trị theo cách không minh bạch. Có nhiều điều có thể học hỏi từ việc lắng nghe
những nhà phê bình thân thiện ở cả trong lẫn ngoài nước, và trong lẫn ngoài nhà
nước.
Đối với những người cố giữ hiện trạng, và những người có thiên
hướng bắt chước thái độ đắc thắng kiểu Trung Quốc cho rằng mô hình độc đảng là
khôn ngoan, việc thông qua hiến pháp và vào hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc
là những dịp để dè bỉu những nước khác trên thế giới, đặc biệt là những nơi ủng
hộ chủ nghĩa tự do và dân chủ (được xem là) ‘của phương Tây’. Thực ra, chủ
nghĩa tự do và (nhất là) chủ nghĩa tân tự do và dân chủ phương Tây đang gặp khủng
hoảng ở nhiều nơi; mà Mỹ là ví dụ điển hình. Nhưng có lẽ có thể rút được bài học
từ cả phe Leninist [định hướng] thị trường lẫn phe tân tự do. Trong cả hai bối
cảnh, giới quyền thế chính trị và kinh tế đã nắm quyền kiểm soát cỗ máy nhà nước
để phục vụ cho các mục tiêu ích kỷ của họ. Điều cần thiết ở cả hai bối cảnh này
là các thể chế và tinh thần hoạt động [chính trị và xã hội] mà có thể buộc
chính trị phải phục vụ nhân dân.
Các hiến pháp có ý nghĩa hay vô nghĩa nhờ vào nội dung thì ít,
mà nhờ nhiều vào mức độ ủng hộ và chấp nhận dành cho hiến pháp đó. Hôm nay ở Việt
Nam, các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ các sở nguyện của họ. Người ta tự hỏi quá
trình cải tổ hiến pháp đã có kết quả ra sao nếu như Việt Nam đã có một hiến
pháp khác, một hiến pháp bảo đảm cho người Việt được quyền có các quyền mà cả
hiến pháp 1946 lẫn Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền đều hứa hẹn. Nếu có một hiến
pháp như vậy, người Việt với mọi thiên hướng chính trị từ tả sang hữu, trong đó
có Đảng Cộng sản, có thể đóng góp vào sự phát triển của đất nước trên một sân
chơi công bằng hơn và minh bạch hơn. Cuộc bỏ phiếu hôm nay có thể được nhiều giới
đón nhận với cảm giác thất vọng. Nhưng về mặt chính trị, Việt Nam hiện nay khá
hơn nhiều so với cách đây chỉ một năm. Việt Nam ngày nay có một môi trường bàn
luận chính trị sống động, nhìn chung không bị can thiệp, và rõ ràng là đa
nguyên.
Sáng hôm qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói trước cuộc
bỏ phiếu rằng sẽ có việc phải làm “sau khi chúng ta thông qua hiến pháp”, cho
thấy trước cuộc kiểm phiếu cuối cùng rằng “gạo đã nấu thành cơm”. Ông cũng
tuyên bố, với vẻ hơi tình cảm ủy mị, rằng giới lãnh đạo ủy ban hiến pháp của Quốc
hội rất trân trọng thậm chí cả nhiều quan điểm bất đồng đã được trình bày trong
và xung quanh quá trình sửa đổi hiến pháp. Chúng ta hãy hy vọng rằng ông và những
người Việt khác thực sự chia sẻ tình cảm này.
Thay vì trấn áp ý kiến bất đồng bằng các chỉ thị, Việt Nam nên
khuyến khích môi trường bàn luận chính trị công khai mới chớm nở và sự quan tâm
ngày càng tăng của công chúng đối với chính trị. Những người cổ xúy cải cách,
trong đó có tác giả bài này, tin rằng con đường đi đến thịnh vượng đòi hỏi phải
có một hiến pháp thích hợp với những đòi hỏi bắt buộc về trách nhiệm giải trình
và tính minh bạch hơn hiến pháp được thông qua hôm nay. Có ai bảo chính trị là
chuyện dễ đâu. Nhưng, Việt Nam ơi, đừng tuyệt vọng!
Chào đoàn kết,
Jonathan London
No comments:
Post a Comment